Trang chủ Doanh nghiệp Chủ động ứng phó với tình trạng giảm đơn hàng

Chủ động ứng phó với tình trạng giảm đơn hàng

bởi Linh
Dự báo tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn ít nhất đến giữa năm 2023, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu đã chủ động có kế hoạch ứng phó, tìm kiếm thêm thị trường ngách, nhận các đơn hàng nhỏ để duy trì sản xuất…
Chủ động ứng phó với tình trạng giảm đơn hàng

Đơn hàng giảm, công nhân hết cảnh tăng ca

Tăng trưởng thần tốc trong 9 tháng đầu năm, nhưng lại bị đảo chiều trong 4 tháng cuối năm, dệt may vẫn về đích năm 2022 với kết quả khả quan, kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. Dù vậy, ngành này cũng xác định, năm 2023 sẽ khó hơn năm 2022 rất nhiều.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) dự báo, tình hình 3 tháng đầu năm sẽ “chưa có gì sáng sủa hơn quý cuối năm 2022”, do kinh tế thế giới vẫn khó khăn, tăng trưởng giảm, lạm phát ở mức cao. Tình trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp; doanh nghiệp đối diện với sức ép gia tăng về các yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững từ đối tác nhập khẩu.

“Nhiều nhà nhập khẩu lớn trước đây đặt hàng chục ngàn sản phẩm, giờ chỉ còn khoảng 1.000 sản phẩm, thậm chí vài trăm sản phẩm cho mỗi đơn hàng, cho thấy sức mua hàng dệt may giảm khi người dân các nước siết chặt chi tiêu trước tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế”, ông Trường nói.

Thống kê sơ bộ từ tháng 9 đến nay, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng xuất khẩu giảm sút. Khi đơn hàng bị giảm, công nhân cũng hết cảnh tăng ca, xấu hơn là bị ngừng việc, cắt hợp đồng.

Vừa qua, Công ty TNHH Tỷ Hùng (vốn đầu tư từ Đài Loan, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, hiện có 3 nhà máy ở TP.HCM, Bến Tre và Đồng Tháp) đã cắt giảm, chấm dứt hợp đồng với khoảng 1.200 lao động.

Lý giải quyết định này, Công ty Tỷ Hùng cho biết, do sức mua nhiều mặt hàng ở châu Âu sụt giảm mạnh, nên đơn hàng xuất khẩu của Công ty bị cắt giảm 70 – 80%. Dù vẫn sẽ có đơn hàng trong năm 2023, nhưng số lượng không đủ duy trì hoạt động của 3 nhà máy, nên Công ty sẽ đưa đơn hàng về các tỉnh. Nếu tình hình kinh doanh tốt hơn, có đơn hàng đủ để nhà máy ở TP.HCM hoạt động, thì Công ty sẽ có chiến lược điều phối sản xuất.

Xuất khẩu giảm sút, vận chuyển hàng hóa, logistics cũng không còn bận rộn. Chỉ ra những thách thức của ngành logistics trong năm 2023, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đều đang trong tình thế tương đối nghiêm trọng về sụt giảm đơn hàng trong  năm 2023. Tình hình chung đến thời điểm này chưa có sự cải thiện.

Chủ động ứng phó

Tình hình kinh tế thế giới năm 2023 không mấy tích cực. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu là 2,7%, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 7/2022, đồng thời cảnh báo, “những điều tồi tệ nhất còn chưa diễn ra, thế giới có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng”.

Với mức độ lạm phát cao trong năm 2023, người dân tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thắt chặt chi tiêu, giảm sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu, như hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử…

Trong báo cáo kinh tế mới nhất với tựa đề “Khó khăn bên ngoài gia tăng”, HSBC cho rằng, ngành xuất khẩu của Việt Nam đã đến lúc cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

Tháng 11/2022, lần đầu tiên trong 2 năm qua, Việt Nam chứng kiến mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, suy giảm ở tất cả các lĩnh vực. Thậm chí, HSBC cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam chuẩn bị bước vào kỳ “ngủ đông”.

Đơn cử, lĩnh vực điện tử (chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) chỉ cần suy giảm 10% đơn hàng, là sẽ “thổi bay” hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Đối với ngành gỗ, chỉ riêng tác động từ tình hình kinh doanh nhà ở Mỹ chững lại trong bối cảnh lãi suất cầm cố tăng lên (xu hướng tương tự cũng đã thấy rõ ở thị trường bất động sản châu Âu) đã tác động đáng kể đến hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình khó khăn dự báo kéo dài sang năm 2023, nên các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch ứng phó dài hạn, nhanh chóng tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường, đặc biệt là những khu vực còn ổn định, ít lạm phát.

Với Vinatex, ông Trường cho hay, Tập đoàn chỉ đạo các doanh nghiệp kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi chỉ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu với tư cách thành viên chính thức, thì mức độ bấp bênh, sụt giảm trước những biến động của thị trường mới thấp hơn ngoài chuỗi. Cùng với đó, kiên định thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh, vì đây sẽ là những yếu tố phi tài chính để lựa chọn những đối tác bền vững hơn, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường trong sản xuất bền vững.

Đặc biệt, ngành dệt may và da giày cần tận dụng các đơn hàng nhỏ nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, đơn giá cao và đi vào các thị trường ngách.

Dự liệu tình hình khó khăn, ngành dệt may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm 2023, ở mức 47 – 48 tỷ USD, nếu thị trường hồi phục vào nửa cuối năm 2023; và kịch bản kém tích cực hơn, ở mức 45 – 46 tỷ USD nếu thị trường tiếp tục khó khăn kéo dài.n

Có thể bạn quan tâm