Vietravel Airlines là hàng không thương mại thứ 5 tại Việt Nam. |
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tham gia ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam – Vietravel Airlines.
Không có lợi nhuận để tái đầu tư
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam – Vietravel Airlines đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 457/QĐ-TTg ngày 3/4/2020, nay nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư từ 700 tỷ đồng lên 8.250 tỷ đồng (tăng trên 20%). Do đó, căn cứ theo các quy định trên, Dự án phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Một trong những nội dung trong đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam – Vietravel Airlines xuất hiện nhiều điểm cấn cá chính là năng lực tài chính của nhà đầu tư là Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư ngày 10/10/2022 của nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư của dự án điều chỉnh là 8.250 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư; được chia ra thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2021-2025 là 7.640 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư năm 2020 là 700 tỷ đồng, 2021 là 1.300 tỷ đồng và năm 2025 là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.
Giai đoạn 2026-2030 là 8.250 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.
Bộ Tài chính cho rằng, tổng vốn đầu tư cả 2 giai đoạn theo báo cáo là 15.890 tỷ đồng là chưa thống nhất so với tổng vốn đề xuất là 8.250 tỷ đồng. Đồng thời, theo báo cáo, nhà đầu tư đã hoàn tất việc góp vốn 2.000 tỷ đồng (năm 2020 là 700 tỷ đồng, năm 2021 là 1.300 tỷ đồng), vượt tổng vốn đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 457/QĐ-TTg ngày 3/4/2020 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư yêu cầu nhà đầu tư giải trình làm rõ các nội dung nêu trên; đồng thời xem xét lại phân kỳ đầu tư đảm bảo tiến độ thực tế.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo tài chính năm 2021 (đã được kiểm toán), tại Bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2021, vốn góp chủ sở hữu là 861,6 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là (-438,3 tỷ đồng)). Theo Báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét cho kỳ tài chính 6 tháng kết thúc vào ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu là 594,3 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là (-705,6 tỷ đồng)).
Như vậy, căn cứ theo các báo cáo tài chính trên, vốn góp của nhà đầu tư chưa đảm bảo, đồng thời hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư đang không hiệu quả nên phần lợi nhuận để lại để tái đầu tư là không có cơ sở.
Làm rõ tài sản góp vốn
Điểm cấn cá thứ hai liên quan đến đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam là về cơ cấu sở hữu vốn.
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam (đã được soát xét), Công ty cổ phần Tập đoàn Vietravel là công ty mẹ nắm giữ 55,58% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam; Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel nắm giữ 43,92% vốn điều lệ của Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam- Vietravel (Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam- Vietravel niêm yết giao dịch trên sàn Upcom, Báo cáo tài chính được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng), Công ty cổ phần Tập đoàn Vietravel nắm giữ 40,68% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam- Vietravel.
Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, trong năm 2021, Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 600 tỷ đồng bằng tiền.
Qua rà soát thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy, tại thời điểm ngày 31/12/2021, khoản tiền góp để tăng vốn điều lệ không được thể hiện ở mục tiền và các khoản tương đương tiền hay các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn; tuy nhiên, khoản mục đầu tư tài chính dài hạn có phát sinh 500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, đây là khoản trái phiếu phát hành bởi Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải, tất cả khoản trái phiếu này đã được sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel (nắm giữ 43,92% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam).
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát việc tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam; làm rõ tài sản góp vốn có phục vụ hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không hay không (là ngành nghề kinh doanh có điều kiện) và đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư, làm cơ sở xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, đảm bảo hiệu quả và đúng quy định pháp luật.
Vietravel Airlines chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên kết nối TP.HCM – Hà Nội vào ngày 25/1/2021. Trong 2 năm đầu, hãng tập trung khai thác các mạng đường bay nội địa và khu vực châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Đài Loan – Trung Quốc) với đội máy bay 6 chiếc A321 và tiếp tục tăng lên 12 chiếc trong năm tiếp theo.