Trang chủ Doanh nghiệp Chiến lược đầu tư vào chuỗi cung ứng

Chiến lược đầu tư vào chuỗi cung ứng

bởi Linh
Không dễ để dự đoán ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong làn sóng dịch chuyển đầu tư của các nhà sản xuất trong khu vực để cơ cấu lại chuỗi cung ứng.
Sự xuất hiện của những đơn vị quốc tế đã nâng cao chất lượng xây dựng và vận hành bất động sản công nghiệp hậu cần tại Việt Nam
Sự xuất hiện của những đơn vị quốc tế đã nâng cao chất lượng xây dựng và vận hành bất động sản công nghiệp hậu cần tại Việt Nam

Làn gió mới

Thời gian qua đã chứng kiến làn sóng tăng thu hút đầu tư công nghệ, hạ tầng trợ lực cho logistics tăng trưởng. Đầu năm 2022, Emergent Việt Nam Logistics Development (Singapore) công bố dự án có vốn đầu tư 35 triệu USD, chuyên cung cấp hệ thống kho lạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao.

Ở lĩnh vực chuyển phát nhanh, sự góp mặt của BEST Inc. cũng mang lại “làn gió mới” cho thị trường nội địa. Nhờ sự hỗ trợ từ công nghệ, BEST Express chỉ mất 2 giây để xử lý xong một kiện hàng kích thước cồng kềnh, khối lượng trên 3 kg. Đến nay, doanh nghiệp chuyển phát này sở hữu tổng diện tích khai thác kho bãi trên toàn quốc đến hơn 100.000 m2, năng lực xử lý trên 1,8 triệu bưu kiện mỗi ngày.

Gần đây, nhà phát triển kho logistics quốc tế Logos Property đã liên doanh cùng Manulife Investment Management trong Dự án phát triển nhà xưởng hậu cần hiện đại xây theo yêu cầu (build- to – suit), với tổng diện tích hơn 116.000 m2 và trị giá trên 80 triệu USD. Sự xuất hiện của những đơn vị quốc tế này đã nâng cao chất lượng xây dựng và vận hành bất động sản công nghiệp hậu cần tại Việt Nam.

Theo ông Jimmy Goodrich, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), Việt Nam hiện có lợi thế về thị trường nhân công hơn hẳn Singapore và Malaysia. Việt Nam còn có một lợi thế rất lớn khác nữa là sự hiện diện của những “ông lớn” như Intel và Samsung, Apple…

Tập đoàn Samsung cũng vừa đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây không chỉ là trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mà còn là trung tâm R&A số 1 toàn cầu, hướng tới người tiêu dùng thế giới, tập trung nghiên cứu chuyên sâu những công nghệ cốt lõi của điện thoại di động như lĩnh vực đa phương tiện và bảo mật. 

Theo ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á, vài năm qua, các khoản đầu tư vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương có xu hướng chuyển dịch vào lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng và trung tâm dữ liệu. Một trong những lợi thế lớn mà Việt Nam có được ở thời điểm hiện tại là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao, khi chi phí sản xuất và logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa đang ở mức rất hấp dẫn.

Có thể nói, điện tử là ngành có tác động lớn nhất đối với nền kinh tế và là ngành có nhịp độ phát triển nhanh nhất. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam trong vài năm qua được khẳng định là sẽ tiếp tục. Nếu không có khủng hoảng ở châu Á – Thái Bình Dương, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong ít nhất 10 năm tới, dù các lĩnh vực khác nhau sẽ có tốc độ dịch chuyển khác nhau.

Theo ông Julien Brun, Tổng giám đốc của CEL, tình hình ở Trung Quốc khiến những ông lớn ngành điện tử phải tìm giải pháp thay thế. Điều thú vị là Ấn Độ cũng tham gia cuộc đua thu hút các hãng sản xuất công nghệ này. Ấn Độ có thể đi sau Việt Nam ở giai đoạn này, nhưng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trong 5 năm tới.

Nguyên nhân là lĩnh vực điện tử cần một phạm vi địa lý nhất định, tức là các cụm công nghiệp chuyên dụng. Và khi các cụm công nghiệp chuyên dụng được thiết lập, sẽ trở thành yếu tố cạnh tranh lâu dài. “Năng lực cạnh tranh của Việt Nam cần phải được chú trọng ngay từ bây giờ, nếu không sẽ đánh mất cơ hội”, ông Julien Brun chia sẻ.

Các lĩnh vực khác cũng sẽ có lợi thế từ xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất đồ nội thất, dụng cụ, may mặc, giày dép, thiết bị công nghiệp…

Hạ tầng dẫn lối chuỗi cung ứng

Ở giai đoạn này, rất khó để dự đoán ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong làn sóng dịch chuyển đầu tư của các nhà sản xuất trong khu vực để cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Ngành điện tử có thể không mang lại lợi thế lớn nhất vì không yêu cầu nhiều lao động như các ngành truyền thống. Vì vậy, để đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, điều quan trọng là các ngành công nghiệp truyền thống ở Việt Nam cũng phải cạnh tranh và phát triển.

Có một số công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vì lực lượng lao động, một số khác đầu tư vì thị trường nội địa hơn 100 triệu người tiêu dùng. Hay nói cách khác, các công ty đến Việt Nam vì người lao động trước, sau đó ở lại vì người tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có khoảng cách lớn giữa hạ tầng hiện tại và tương lai với kỳ vọng trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo ông Julien Brun, dù Việt Nam dành tới 6% GDP hàng năm cho hạ tầng, nhưng 90% chi tiêu đó đến từ ngân sách công. Điều này đã tạo gánh nặng cho nợ quốc gia và chính sách tài khóa. Thời gian tới, Chính phủ kỳ vọng 20% đầu tư vào hạ tầng sẽ đến từ các quỹ tư nhân, so với chỉ 10% trong những năm trước.

Trung tâm Hạ tầng toàn cầu (GI Hub – Global Infrastructure Hub) trực thuộc quản lý của Nhóm các nền kinh tế lớn G20 cho rằng, muốn đảm bảo tăng trưởng kinh tế, mỗi năm, Việt Nam cần trung bình 25-30 tỷ USD cho hạ tầng. Tuy nhiên, ngân sách quốc gia chỉ có thể cho phép 15-18 tỷ USD (bằng 7% GDP), nên cần phải huy động 10-15 tỷ USD còn lại từ các nhà đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, đổi mới sáng tạo là yếu tố thành công then chốt để đảm bảo Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn nữa và trở thành một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cần đào tạo nhiều kỹ sư hơn công nhân để chuyển đổi các nhà máy dựa trên sức lao động thành các nhà máy hoàn toàn tự động hay bán tự động. Theo tính toán, một robot hàn trong nhà máy nội thất có thể đạt năng suất bằng 21 công nhân thông thường, nhưng để vận hành một robot, sẽ cần từ 3-5 kỹ sư.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong khối sản xuất cần chuẩn bị ứng phó với các sự kiện cung ứng trong năm 2023, như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đánh giá hàng tồn kho, suy thoái sản xuất, hàng loạt gián đoạn khác, thiếu lực lượng lao động có tay nghề và chuyển đổi số chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất cần phải chuẩn bị để đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ như: điều chỉnh lương tối thiểu cho nhân công lao động và phát triển hơn nữa về ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

Trong khi đó, năm 2023, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối bán lẻ gặp các thách thức lớn là nhu cầu tiêu thụ giảm, tăng trưởng thấp hơn, thậm chí suy giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này dẫn đến chi phí tồn kho cao hơn và dòng tiền âm… Doanh nghiệp phải chuyển đổi hoạt động chuỗi cung ứng tích trữ sang mạng lưới phi tập trung để đáp ứng đòi hỏi tốc độ cung ứng nhanh của người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm