Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2022 của Vicem. |
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu ước đạt 39.453 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch năm 2022, tăng hơn 16% so với năm 2021.
Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 1.532,3 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch năm 2022 và giảm 30,5% (tương đương giảm 671,9 tỷ đồng) so với năm 2021.
Nhu cầu tiêu thụ yếu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến… khiến lợi nhuận của Vicem giảm hơn 30% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Sản lượng sản xuất clinker đạt 20,65 triệu tấn, bằng 95,1% kế hoạch năm 2022 và giảm 3,8% so với năm 2021. Sản lượng sản xuất xi măng năm 2022 đạt 24,56 triệu tấn, tương đương 94,8% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với năm 2021. Tuy sản lượng sản xuất chưa bằng mức kế hoạch đặt ra nhưng vẫn tăng so với năm 2021.
Tổng sản phẩm tiêu thụ của Vicem trong năm vừa qua đạt 27,46 triệu tấn, đạt 93,2% kế hoạch năm 2022 và giảm 6,7% so với năm 2021, trong đó tiêu thụ xi măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm trước; Tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 2,88 triệu tấn, giảm 45,6%. Các chỉ tiêu tiêu thụ nói trên đều chưa đạt kế hoạch năm.
Tại Hội nghị tổng kết, Tổng giám đốc Vicem Lê Nam Khánh đã chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh không đạt kế hoạch.
Trước hết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của Vicem được xây dựng trên cơ sở kỳ vọng dịch Covid – 19 được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới; tình hình nguồn cung và giá cả nguyên, nhiên vật liệu các tháng cuối năm 2022 ổn định, các dự án bất động sản sẽ khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, những khó khăn xuất phát từ xung đột Nga – Ukraine và thực tế thị trường diễn biến rất phức tạp, khó đoán định đã tác động rất tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành lẫn Vicem.
Nguồn cung than cho sản xuất xi măng thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tăng giá đột biến. Các lò nung của VICEM được thiết kế với nguồn than sử dụng là loại có nhiệt trị cao (tương đương cám 3 có nhiệt trị trên 7.000 Kcal/kg Clinker) nhưng thực tế, do thiếu nguồn than có nhiệt trị cao nên phải sử dụng các nguồn than có nhiệt trị thấp (cám 4, cám 5, thậm chí có loại than chỉ có nhiệt trị khoảng 3.200 Kcal/kg Clinker) dẫn đến dính, bết, tắc, giảm năng suất, tăng định mức tiêu hao.
“Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí than trong giá thành sản xuất xi măng của Vicem năm 2022 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021”, ông Lê Nam Khánh nói.
Vicem đã thực hiện rà soát, điều chỉnh tăng giá bán xi măng phù hợp, bù đắp chi phí tăng do tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi gồm nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đều giảm, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt; giá xuất khẩu xi măng, clinker không tăng.
Sự biến động bất thường của nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2022, đặc biệt giảm sâu vào quý IV, là mùa tiêu thụ xi măng chủ yếu hàng năm đã tác động rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh và gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành của Vicem.
Các tác động về thị trường xuất khẩu, nhu cầu xi măng sụt giảm, ảnh hưởng của nguồn than có nhiệt trị thấp… cùng những yếu tố khách quan, chủ quan khác đã đẩy Công ty CP Xi măng Hạ Long có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nặng, và là nhân tố chính đưa Vicem không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Năm 2023 dự báo tiếp tục khó khăn lớn với ngành xi măng khi nội tại ngành vẫn trong cảnh dư cung lớn trên 40 triệu tấn so với cầu. Xây dựng dân dụng phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19; các công trình, dự án cũng
chậm triển khai thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng do chính sách siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản.
Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao, trong khi giá bán xi măng chưa thể bù đắp được mức tăng chi phí đầu vào, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh.
Phát biểu chỉ đạo lễ tổng kết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Trong bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức, giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao, đặc biệt giá than và giá xăng, dầu; lãi suất cho vay tăng cao, thị trường xuất khẩu khó khăn, Vicem vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, giữ vững vai trò chi phối, dẫn dắt, định hướng, bình ổn và phát triển thị trường xi măng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đất nước. Điều này cần được duy trì trong năm 2023″.
Nhận diện thách thức để vượt khó, Vicem đặt mục tiêu cho năm 2023 là sản xuất khoảng 21,2 triệu tấn clinker, tăng 2,6% so với năm 2022; tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn, tăng khoảng 6,3%; tổng doanh thu khoảng 40.919 tỷ đồng, tăng khoảng 3,7%; nộp ngân sách nhà nước 1.665 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) khoảng 800 tỷ đồng, giảm 47,8% so với ước thực hiện năm 2022.
Năm 2023, Vicem tiếp tục định hướng tập trung vào 04 nhóm lĩnh vực trong công tác đầu tư xây dựng: Dự án đầu tư mỏ nguyên liệu; Dự án đầu tư chiều sâu, xử lý “nút thắt”, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất; Dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và tiếp tục rà soát, xử lý những tồn tại của các dự án đầu tư xây dựng tại Công ty mẹ Vicem và các đơn vị thành viên