Những “bữa cơm kẹp con chữ”
Cuối tháng 11/2022, sáng kiến “Hệ sinh thái nuôi em” của Hoàng Hoa Trung đã được trao giải A Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng. Lời nhận xét “là một trong những chương trình thiện nguyện hướng tới trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa có phương thức hoạt động giàu tính sáng tạo, tính lan tỏa cao, minh bạch và đã triển khai trong thời gian dài, mang lại hiệu quả quan trọng” khiến Trung thêm phấn trấn.
Ở tuổi 32, Hoàng Hoa Trung vẫn tràn đầy nhiệt huyết như khi 17 tuổi – lúc bắt đầu bước vào hoạt động thiện nguyện, khi lần đầu tận mắt nhìn thấy những lớp học cắm bản được dựng tạm bợ bằng tranh, tre, nứa, lá; thấy nhiều em học sinh không thể đến trường; thấy hình ảnh các cô giáo mỗi sáng đi mấy cây số đường rừng gọi từng em đi học…
Những hình ảnh đó chính là động lực để Trung suy nghĩ và sáng lập các chương trình thiện nguyện, huy động nguồn lực hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, góp phần chắp cánh ước mơ cho các em đến trường.
Năm 2009, Chương trình “Ánh sáng Núi rừng” gây quỹ xây trường học, tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới được thực hiện. Từ đó tới năm 2013, mỗi năm, Chương trình xây dựng được 1 trường.
Tuy nhiên, mọi việc thay đổi từ một câu hỏi “Làm thế nào, để mỗi năm có thể xây dựng nhiều hơn 1 điểm trường?” của nhà báo Tạ Bích Loan. Một thái độ tiếp cận khác về cách làm từ thiện xuất hiện, giúp dự án bứt phá. Riêng năm 2020, số điểm trường được xây dựng đã đạt 77 công trình và năm 2021 là 105 công trình với số tiền từ 120-600 triệu đồng/điểm trường.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những gì mà các em cần. Trong một lần trở lại những điểm trường mà Dự án xây dựng, Trung phát hiện ra một bí mật. Buổi sáng đi học có 20 trẻ thì buổi chiều chỉ còn 4 em. Trung quyết định bám theo các em. Hóa ra, bọn trẻ ở nhà xa, gia cảnh nghèo tới mức không có cơm mang theo, bố mẹ lại lên nương, nên giờ nghỉ phải vào rừng đào măng về luộc ăn lót dạ. Nhiều bé nhà cách điểm trường tới 4 – 5 cây số, thời gian tới lớp mất 2 – 3 tiếng cuốc bộ đường rừng.
Một ý tưởng chợt lóe lên và không lâu sau, năm 2014, Dự án Nuôi em ra đời. Trung kể, năm đầu tiên, Dự án tự huy động kinh phí, đã giúp nuôi cơm được 55 học sinh khi đi học với mức 8.500 đồng/bữa/em. 4 năm tiếp sau, Dự án vận hành rất chật vật, ít người quan tâm. “Phải có cách khác để các em đến lớp đều được ăn no. Một người nuôi nhiều em thì khó, nhưng một người chăm 1 em có thể sẽ dễ hơn. Dự án Nuôi em 1-1 ra đời như vậy”, Trung kể.
Với dự án này, người nhận nuôi được cung cấp toàn bộ thông tin về hoàn cảnh các em. Hình ảnh, clip ăn trưa của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tháng và cập nhật lên nhóm của điểm bản cùng người nuôi học sinh đó, kèm theo số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo… để kiểm tra, kiểm soát tính minh bạch. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm hoặc gọi điện để hỏi thăm các em.
– Hoàng Hoa Trung
Bên cạnh sự minh bạch, Trung cũng đã tìm ra công thức giúp thuyết phục người khác trong vòng 5 giây: “Một tháng dành 150.000 đồng thôi là lũ trẻ đã no căng bụng cả tháng, nhưng 150.000 ở thành phố nhiều khi chỉ bằng 3 cốc cà phê hay trà sữa”.
Quan trọng là, với cách này, số tiền xét ra không lớn với từng người, nên cơ hội huy động 1.000 người để nhận nuôi 1.000 bé cũng thuận lợi hơn việc kêu gọi một doanh nghiệp chia sẻ để nuôi 100 hay tới 1.000 bé liên tục trong nhiều năm đi học. Nhờ vậy, Nuôi em đã có bước tiến nhảy vọt kiểu “vụ nổ Big Bang” khi có 5.400 trẻ em dân tộc thiểu số được nuôi vào năm 2018.
Mô hình này đã được nhiều đội tình nguyện, các tổ chức Đoàn thanh niên học tập và nhân rộng, vì dễ thu hút người tham gia. Tới nay, Nuôi em đã được triển khai tại 17 tỉnh, từ Điện Biên, Gia Lai, Đắk Lắk, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, nhân rộng tới Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Huế, Kon Tum, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Không chỉ ở Việt Nam, Nuôi em cũng đến Campuchia, Kenya… Có tổng cộng hơn 18 triệu bữa ăn với trị giá khoảng 200 tỷ đồng đã và đang được thực hiện, tính tới hết năm học 2022-2023. “Tôi thực sự hạnh phúc khi được các thầy cô giáo thông báo, tỷ lệ học sinh bỏ học buổi chiều giảm từ 80% xuống còn 5% tại nơi thực hiện mô hình Nuôi em”, Trung cho hay.
Giờ đây, Nuôi em quản lý 60.000 thông tin anh chị nuôi và 60.000 học sinh bản cao thông qua mã NE. Mỗi tháng, Nuôi em có 700 group theo xã, trường mà thầy cô giáo cắm bản chính là người cập nhật thông tin. Fanpage chính thức của Nuôi em cũng sử dụng Chatbot để giúp 60.000 người chủ động cập nhật thông tin bất kỳ lúc nào và chỉ trong 1 phút.
Có thể nói không quá rằng, những “bữa cơm kẹp con chữ” này đã góp thêm công sức cùng các thầy cô trong việc giữ chân trẻ em ở những bản xa đến lớp lâu hơn, nhiều hơn; giúp tỷ lệ chuyên cần tăng từ 50% lên 97%.
Có con chữ, có kiến thức, cuộc đời của trẻ em bản xa sẽ thay đổi – là điều mà Trung, các cộng sự và nhiều nhà hảo tâm không chỉ mong ước, mà đã hiện thực hóa qua những hành động cụ thể.
Thiện nguyện bền vững
Không có tiền vẫn làm thiện nguyện được là điều Trung tâm niệm, đúng ra là rút ra được trong hành trình thiện nguyện của mình.
Nhiều năm trước, Trung được biết đến với nick name “Trung đồng nát” vì không nề hà việc nhặt ve chai, sàng lọc đất phù sa sông Hồng, ai cho gì bán nấy để có tiền làm từ thiện. Nhiều lần, Trung bạo gan cầm hồ sơ đi xin tài trợ cho chương trình thiện nguyện, nhưng bị từ chối. Những cái lắc đầu đó đã thức tỉnh chàng trai trẻ rằng, chẳng có nhà tài trợ nào cho tiền một dự án mà họ không biết gì về nó, không hình dung được kết quả và chẳng biết người xin tiền là ai.
Cách tốt nhất khi không có sẵn tiền, theo Trung, là “làm thật tốt để cộng đồng biết đến mình, nhà tài trợ tự tìm đến, chứ không cần phải đi xin”.
Không chỉ có Nuôi em, chàng trai “thừa năng lượng và vô cùng cá tính”, mang trái tim đầy nhiệt huyết đã liên tục khởi xướng, thực hiện nhiều mô hình có tính nhân rộng cao, như Dự án Nước sạch bình gốm Unicef, Dự án Năng lượng gió mặt trời, Dự án Đi ra từ bản, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ cho trẻ mầm non bản cao…
Hàng loạt công trình đã được Trung và các cộng sự phối hợp cùng thực hiện với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, như “Sức mạnh 2000”, với 4 mô hình trọng tâm: “Trường đẹp cho em”, “Nhà nội trú cho em”, “Ngôi nhà Hạnh phúc” và “Cây cầu Hạnh phúc”.
Hơn 380 trường/điểm trường mới, 9 khu nội trú, 70 ngôi nhà hạnh phúc, 15 cầu hạnh phúc cho em đi học, gần 20 bộ năng lượng gió và mặt trời tại 20 điểm bản; cung cấp áo ấm đồng phục cho 60.000 trẻ vùng cao… là những quả ngọt có khởi nguồn từ Hoàng Hoa Trung.
Trong các dự án của Trung, có thể thấy bóng dáng rõ nét của tỷ phú Warren Buffett với câu nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Tinh thần đoàn kết, sự kết hợp của những nhà hảo tâm và những người cùng chí hướng đã giúp Trung và các cộng sự triển khai được nhiều chương trình từ những số tiền rất nhỏ. Nhờ vậy, các chương trình thiện nguyện được nhân rộng hơn, bước xa hơn, đi được nhiều hơn và phát triển bền vững hơn.
Đơn cử, Dự án Sucmanh2000.com đặt mục tiêu tất thảy trẻ em đến trường không bị đói, xóa sổ toàn bộ trường tạm trên toàn quốc, xây những cây cầu kiên cố trên các tuyến đường cheo leo hiểm trở… Dự án tính toán, mỗi người chỉ góp 2.000 đồng/ngày, nếu có 2 triệu người tham gia, thì mỗi năm sẽ có 1.460 tỷ đồng. Số tiền này đủ để xây toàn bộ trường thay thế nhà tạm cho trẻ em vùng sâu, vùng xa và cả nội trú ở Việt Nam. Tới cuối tháng 10/2022, Dự án đã xây xong trên 360 công trình với trị giá hơn 80 tỷ đồng.
Bên cạnh Nuôi em, chương trình gần đây nhất được Trung đưa ra là Được học, với mục tiêu kêu gọi tặng lại laptop cũ và nhận đỡ đầu chi phí nâng cấp máy tính cho sinh viên dân tộc có hoàn cảnh khó khăn và đã nhận được những phản hồi rất tích cực…
Thẳng thắn, rành mạch và nhiệt huyết khi đưa ra các đề xuất thiện nguyện để trở thành cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những mảnh đời trẻ em khó khăn, Hoàng Hoa Trung là một ví dụ cho một lối sống quyết liệt, đầy đam mê dấn thân vì một ước muốn lớn lao là góp phần thay đổi cuộc đời trẻ em vùng khó khăn.
Dường như không có khó khăn nào làm khó hành trình thiện nguyện được xác định là hành trình trọn đời của “chàng hiệp sỹ núi rừng” Hoàng Hoa Trung.