Xuất khẩu hạt điều năm 2022 đạt 3,07 tỷ USD. |
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hết năm 2022, 3 ngành hàng xuất khẩu gồm: cao su, rau quả và điều đã mang về 9,72 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu 53,3 tỷ USD của toàn ngành nông nghiệp.
Cụ thể, xuất khẩu cao su năm 2022 đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
Nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu cao su trong năm qua. Tuy nhiên trước biến động tỷ giá USD tăng cao, trong khi giá mủ cao su lại xuống thấp trong mấy tháng cuối năm, khiến cho mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối.
Trong năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 70,8% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Đứng thứ hai là Ấn Độ, chiếm 6,6% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Xuất khẩu hạt điều năm 2022 đạt 3,07 tỷ USD. Dù kim ngạch xuất khẩu vượt 3 tỷ USD, nhưng kết quả đạt được thấp hơn mục tiêu ban đầu mà ngành hàng này đã đặt ra (3,8 tỷ USD) do thị trường khó khăn.
Xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Các nền kinh tế lớn suy thoái, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng tăng tiết kiệm… là những nguyên nhân khiến xuất khẩu điều của Việt Nam gặp khó.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm qua cũng sụt giảm do tác động tiêu cực từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc, khiến kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2021 (3,55 tỷ USD). 11 tháng 2022, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Rau quả Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất đến 10 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào.
Tín hiệu đáng mừng, Hải quan Trung Quốc đã thông báo gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ ngày 8/1/2023, (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh).
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép nhập khẩu; Newzeland mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam… Đây đều là các thị trường tiêu thụ khó tính, tuy nhiên xuất khẩu hàng rau quả vào được các thị trường này, thì cơ hội cho ngành hàng rau quả của Việt Nam ngày càng mở rộng.
Năm 2023, dự báo 3 nhóm hàng kể trên sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu, đóng góp doanh thu cho ngành nông nghiệp từ 10,5 – 11,5 tỷ USD.