Lợi bất cập hại
Giải thích việc ngại đến bệnh viện khi có các dấu hiệu bệnh, một số người cho biết, họ không có thời gian và nghĩ rằng, các triệu chứng đó chỉ là thông thường và tự điều trị được.
Chị Nguyễn Thanh Tâm (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khoảng nửa năm nay, chị thường xuyên xuất hiện các cơn ho kéo dài. Chị đã ra hiệu thuốc xin tư vấn và mua thuốc uống, nhưng vẫn chưa thể điều trị dứt điểm. Mệt mỏi vì ho nhiều, chị muốn đi khám để điều trị dứt điểm, nhưng với thời gian làm việc tại cơ quan 8-10 tiếng/ngày, tối về nhà lo chuyện cơm nước, dạy con học, đặc biệt, việc xin nghỉ cũng không dễ dàng, bởi gây gián đoạn công việc liên quan đến nhiều bộ phận khác, nên chị cứ lần lữa chuyện đi khám.
Một nguyên nhân khác được chị Đào Hà Trang (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ là do bệnh viện là môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, nên chị không thích đến bệnh viện, thậm chí thấy sợ khi đến bệnh viện.
Một số khác nói lý do họ sợ tới bệnh viện, bởi cứ đi khám là ra bệnh, hơn nữa tuổi già ai mà không có bệnh. Mặc dù biết suy nghĩ đó không tốt, nhưng nhiều khi vẫn nghĩ, thà không biết còn an tâm hơn.
Với những lý do trên, nhiều người đã “tự làm bác sĩ” hoặc tra cứu mạng Internet để điều trị khi cơ thể có biểu hiện bất thường.
Thông tin từ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang) cho biết, vừa qua, cơ sở đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở do ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin. Qua lời người nhà bệnh nhân, bé bị ngạt mũi, nên buổi chiều cùng ngày, gia đình đã mua thuốc nhỏ mũi Naphazolin về nhỏ cho bé. Khoảng 2 giờ sau khi nhỏ mũi thì thấy bé có hiện tượng da tái toàn thân, chân tay lạnh, vã mồ hôi, nên gia đình đã đưa trẻ nhập viện Sản Nhi Bắc Giang. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ bị ngộ độc Naphazolin có trong loại thuốc mà gia đình đã nhỏ mũi cho bé.
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo các bác sĩ, cơ sở vừa tiếp nhận bệnh nhi P.A 15 tuổi (quê Thái Bình) trong tình trạng tím tái, ngừng tuần hoàn, suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng do tự sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp, không sử dụng thuốc do bác sĩ kê. Được chẩn đoán hen phế quản từ lúc 7 tuổi, nhưng bệnh nhi không điều trị dự phòng. Khi đưa con đến khám tại Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp (Bệnh viện Nhi Trung ương) và chẩn đoán trẻ mắc hen phế quản chưa kiểm soát, các bác sĩ đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác, nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ uống thuốc.
Ngày 15/1, trong cơn hen phế quản cấp không được điều trị bởi bác sĩ, cháu P.A đã bị tím tái, ngừng tuần hoàn do thiếu oxy, được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng. Mặc dù đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, thuốc vận mạch, thuốc giãn phế quản, lọc máu…, song tiên lượng vẫn rất nặng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, theo các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, cơ sở thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện với các triệu trứng nặng, có khi nguy hại tới tính mạng do tự ý làm bác sĩ. Trong đó, rất nhiều bệnh nhân bị tiểu đường, nhưng không điều trị theo phác đồ, mà lại theo “bác sĩ” Google, khiến khi vào viện thì nhiều trường hợp đã bị suy thận, toan chuyển hoá.
Từ bỏ thói quen xấu
Theo khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, phụ huynh tuyệt đối không được sử dụng thuốc theo đơn cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Trần Tiến Tùng (chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Hà Nội) cho biết, nhiều người dân không hề có kiến thức chuyên môn, nhưng có thói quen “tự làm bác sĩ”, gây ra những hậu quả khôn lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Trước hết, do người dân không xác định đúng, bệnh vẫn tồn tại và tiến triển trong cơ thể, đến khi phát hiện đã chuyển giai đoạn, gây khó khăn trong điều trị, thậm chí đe dọa tính mạng cơ thể. Có thể kể đến bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, người dân thấy hết sốt thì nghĩ đã khỏi bệnh và không đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm theo dõi tiểu cầu. Trong khi đó, nếu tiểu cầu giảm mạnh mà không được can thiệp kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cũng theo chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, một số người đã bỏ lỡ giai đoạn “vàng” có thể điều trị bệnh dễ dàng. Chẳng hạn, bệnh lý viêm tấy quanh Amidan nếu không chữa trị ngay có thể hình thành ổ áp xe phải chích rạch, muộn hơn có thể gây ra nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng; hoặc các bệnh lý ung thư được phát hiện sớm sẽ dễ dàng điều trị và kéo dài cơ hội sống hơn.
“Ngoài ra, tự đoán bệnh và tự ý mua thuốc khi không có đơn chỉ định của bác sĩ dẫn tới việc điều trị không hiệu quả. Đặc biệt, dùng sai thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Một vấn đề đáng quan ngại hiện nay là tình trạng kháng kháng sinh do lạm dụng dùng kháng sinh, khiến việc sử dụng thuốc không còn hiệu quả, gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh”, bác sĩ Tùng nói.