Sảng rượu có khởi phát đột ngột, cấp tính trong khoảng thời gian từ một đến vài ngày sau khi ngừng uống rượu. Biểu hiện ban đầu của sảng rượu là bệnh nhân mất ngủ, chếnh choáng, run lẩy bẩy, rối loạn thần kinh thực vật (đỏ da, mạch nhanh, ra nhiều mồ hôi, đánh trống ngực, lo lắng, sợ hãi).
Theo các bác sĩ, hoang tưởng, ảo giác và rối loạn hành vi rầm rộ do sảng rượu nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ tai nạn và tử vong. |
Quãng thời gian từ lúc ngừng rượu cho đến khi có sảng rượu là khác nhau, thường từ 1-2 ngày, nhưng có trường hợp phải sau 3-4 ngày.
Sảng rượu luôn được bắt đầu bởi cơn co giật kiểu động kinh, vì vậy, nếu bệnh nhân cai rượu có cơn co giật kiểu động kinh thì cần phải đề phòng sảng rượu.
Giai đoạn toàn phát của sảng rượu thường xuất hiện sau cai rượu 3-5 ngày và có triệu chứng rất đa dạng và phong phú. Sảng rượu bao gồm 3 triệu chứng chính sau: Mất ngủ hoàn toàn: Bệnh nhân mất ngủ trầm trọng, họ không ngủ được một tí gì trongvòng 24 giờ qua.
Rối loạn ý thức: Bệnh nhân bị rối loạn định hướng không gian (không biết đây là đâu), thời gian (không biết bây giờ là sáng hay chiều). Rối loạn định hướng bản thân (không biết mình là ai) ít gặp.
Hoang tưởng và ảo giác rất rầm rộ: Bệnh nhân có các ảo thanh thật, ảo thị và hoang tưởng bị hại biểu hiện rất mạnh mẽ. Các hoang tưởng và ảo giác này có bất kỳ lúc nào trong ngày và chi phối hành vi của bệnh nhân.
Vì vậy họ hay vùng chạy đột ngột, tấn công các kẻ thù vô hình… kết quả là có thể gây ra các tai nạn (ngã, chạm vào ổ điện, chém vào chân mình) có thể gây ra tử vong. Các triệu chứng của sảng rượu thường tăng lên về chiều tối và giảm đi vào buổi sáng.
Theo các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, rối loạn tâm thần do sử dụng rượu là tình trạng thường gặp, khá nguy hiểm cho bản thân người sử dụng rượu và cho mọi người chung quanh. Họ không kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân mà gây hấn cũng như gây nguy hiểm cho mọi người.
Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, sảng rượi là biểu hiện của các triệu chứng khi uống quá nhiều rượu gây ra tình trạng ngộ độc rượu bao gồm: Rối loạn tâm thần, mất khả năng kiểm soát, hay cãi lộn, tấn công xâm phạm người khác bằng lời nói hoặc hành vi bạo lực, cảm xúc không ổn định, mất sự chú ý, giảm khả năng suy xét, ngoài ra có thêm các dấu hiệu như đi không vững, nói không chuẩn, giảm ý thức, đỏ mặt, …
Bên cạnh đó, sảng rượu là một trạng thái loạn thần cấp tính và trầm trọng, thường xuất hiện ở người nghiện rượu mạn tính, khi cơ thể bị suy yếu hay vì một bệnh lý nào đó mới xuất hiện (như nhiễm khuẩn, chấn thương…). Sảng rượu cũng có thể xuất hiện sau khi cai rượu tương đối, tuyệt đối hoặc sau khi sử dụng số lượng lớn rượu trong dịp Tết.
Ngoài ra, người sử dụng rượu có thể xuất hiện biểu hiện của trầm cảm, thường không điển hình. Đầu tiên là giảm cảm xúc tích cực, cảm xúc chán nản, buồn bực, cáu kỉnh, cảm xúc thất thường, không ổn định, dễ bị công kích, thường cảm giác mệt mỏi, mất sinh lực, giảm hoạt động, giảm quan tâm thích thú, dù là đi chơi hay chúc Tết.
Đôi khi, người bệnh kèm theo rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc mơ ác mộng. Sảng rượu thường khởi phát các triệu chứng trầm cảm trong vòng hai tuần có sử dụng rượu và kéo dài trên 48 tiếng.
Một số trường hợp, sử dụng rượu mạn tính có thể gây ra tình trạng quên do rượu, người bệnh thậm chí quên các sự kiện vừa mới xảy ra, làm giảm hiệu quả trong công việc và cuộc sống. Có trường hợp tiến triển nặng hơn khiến họ phải sống phụ thuộc vào người khác
Sảng rượu là hệ lụy của tình trạng lạm dụng rượu bia. Và việc này còn khiến người dân đối diện với các nguy cơ khác như ngộ độc rượu chứa methanol.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều acid formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Trong những ngày Tết hoặc vui xuân như thế này, khi bệnh nhân đã uống phải rượu chứa cồn công nghiệp methanol nhưng lại uống tiếp các bữa rượu thông thường, thì do hiện tượng ethanol làm trì hoãn việc gây độc của methanol, sẽ không thể biết lúc nào tình trạng ngộ độc methanol mới phát tác, và chắc chắn sẽ bị ngộ độc.
Vấn đề khó là khi tình trạng ngộ độc xuất hiện chậm sau nhiều ngày thì rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác như bệnh mắt, bệnh khó thở, tai biến mạch não,…dẫn tới bị bỏ sót và chữa muộn, chữa không đúng, dẫn tới bị tử vong hoặc di chứng mù, hôn mê đáng tiếc.
Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol thì đầu tiên quan trọng nhất là phải tăng cường khâu quản lý hóa chất của cơ quan chức năng.
Do methanol là hóa chất nhập khẩu hoặc sản xuất công nghiệp lớn, nhưng đã bị “tuồn” ra ngoài vào tay kẻ xấu, thậm chí nhiều công ty sản xuất kinh doanh không chính đáng.
Thứ hai, người dân nên hạn chế uống rượu tối đa và khi mua rượu uống hoặc mua cồn sát trùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có bảo đảm, thông tin trên nhãn mác cụ thể, rõ ràng và đầy đủ về các thành phần, công dụng và thông tin nhà sản xuất.
Phụ nữ mang thai uống rượu, bia cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình. Chất cồn sẽ khiến mẹ say xỉn, mệt mỏi, đau đầu, gây rối loạn về thể chất, tinh thần và có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ, sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày và nữ giới không nên uống một đơn vị cồn/ngày; Không uống quá 5 ngày/tuần.
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.