Hôm nay (12/1/2023), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã tới tham dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt – Lào |
“Đây là sự kiện quan trọng để tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được về hợp tác đầu tư thời gian qua, đặc biệt trong năm 2022, năm Đoàn kết hữu Nghị Việt Nam – Lào, đồng thời quán triệt và bàn giải pháp triển khai Kế hoạch hợp tác năm 2023 giữa hai nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, đầu tư của Việt Nam vào Lào tiếp tục xu hướng tăng cao và bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào làm ăn có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2023.
Lào tiếp tục đứng thứ nhất trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 239 dự án, tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD và Việt Nam luôn là một trong ba nước đầu tư lớn nhất tại Lào.
“Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2022 đã chứng kiến sự chuyển biến tích cực đối với một số dự án đầu tư lớn tại Lào. Nhiều dự án đã được cơ quan hữu quan hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chẳng hạn, Dự án thủy điện Xê-ca-man 3; dự án khai thác, chế biến khoáng sản Alumin của Tập đoàn Việt Phương; Dự án nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải và một số dự án khác…
“Công tác thúc đẩy và hỗ trợ đầu tư trong năm 2022 đã được tăng cường và đạt được hiệu quả thiết thực, đặc biệt là xúc tiến và thu hút các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư vào Lào trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, quy mô lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Đánh giá cao những kết quả tích cực trong thúc đẩy đầu tư vào Lào, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế và thách thức. “Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, có định hướng mới, tư duy hợp tác mới, với các biện pháp mang tính đột phá, tạo dư địa mới, đặc biệt để giải phóng nguồn lực cho hợp tác đầu tư trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam và Lào phải cùng chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Hai nước cùng nhau hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định RCEP, WTO…, kết hợp có hiệu quả với việc Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với ưu đãi cao.
“Khi hai nước cùng nhau chủ động hội nhập, các doanh nghiệp hai nước sẽ được tiếp cận, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đồng thời có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng từ các đối tác này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để thúc đẩy đầu tư Việt – Lào, bên cạnh việc đề nghị phía Lào tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Lào thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nhất là tại khu vực biên giới hai nước.
Trong đó, trọng tâm là thúc đẩy các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu; nghiên cứu phương án đầu tư 3 bên, mời các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước tiên tiến khác cùng tham gia vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và các dự án phát triển, kết nối hạ tầng…
Cùng với đó, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm sang Lào đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, thu mua sản phẩm, chế biến tại chỗ và xuất khẩu…
Đồng tình với những đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamchen Vongphosy nhấn mạnh vai trò, những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
“Tôi nhiệt liệt đánh giá cao sự kiên định của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào”, Bộ trưởng Khamchen Vongphosy nói.
Cũng tương tự như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Khamchen Vongphosy cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hợp tác đầu tư Việt – Lào. Đó là một số dự án, công trình triển khai còn chậm, tỷ lệ vốn giải ngân chưa cao…
Theo Bộ trưởng, hiện đầu tư từ Việt Nam sang Lào cũng gặp một số khó khăn, do một số chính sách pháp luật của Lào chưa phù hợp với điều kiện mới.
“Chúng tôi sẽ rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để làm sao tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt tại Lào”, Bộ trưởng Khamchen Vongphosy nói và đề nghị các doanh nghiệp Việt tiếp tục phát huy, nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế – xã hội Lào.
Tại Hội nghị, các nhà đầu tư Việt và nhà đầu tư Lào đã bày tỏ sự cảm ơn đối sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Lào trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao việc Hội nghị Hợp tác đầu tư được tổ chức ngày hôm nay. “Khí thế ngày hôm nay phải chuyển được thành động lực, để ra được sản phẩm, ra được dự án, thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt – Lào”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Để thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt – Lào, Thủ tướng nhấn mạnh việc Chính phủ hai nước phải hợp tác để hoàn thiện thể chế, chính sách, giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Cùng với đó, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng mềm để thúc đẩy đầu tư. Thủ tướng cũng chỉ đạo, các doanh nghiệp Việt Nam phải kinh doanh đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…
“Thế mới gọi là hợp tác, là anh em”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cũng đã cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, Lào đang thực hiện cơ chế “3 mở”, bao gồm mở cửa, mở baria, mở lòng, để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cao nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp doanh nghiệp có thể triển khai đầu tư hiệu quả.