Thị trường bất động sản đang rất khó khăn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý; tiếp theo là tiếp cận vốn.
“Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, kể cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản”, ông Châu nói.
Theo Chủ tịch HoREA, giao dịch trên thị trường bất động sản bị sụt giảm, thậm chí không có giao dịch, nên không huy động được nguồn vốn của khách hàng. Không chỉ doanh nghiệp, mà cả người mua nhà và nhà đầu tư cũng gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng.
Về nguyên nhân, ông Châu cho rằng, bên cạnh những khó khăn do cơ chế, chính sách đang được Nhà nước tích cực tháo gỡ, cũng có trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn. “Doanh nghiệp đầu tư dàn trải, không lượng sức mình, cơ cấu sản phẩm không phù hợp với thị trường”, ông Châu chỉ rõ.
Điều này dẫn tới sự “lệch pha” của thị trường, cơ cấu sản phẩm phát triển mất cân đối. Người dân cần nhà ở có giá vừa túi tiền hoặc nhà ở xã hội, nhưng cả hai loại sản phẩm này đang rất thiếu.
Đơn cử, tại TP.HCM, năm 2020, chỉ có 1% nhà ở có giá vừa túi tiền (từ 30 triệu đồng/m2 trở xuống). Từ năm 2021 đến nay, không có dự án nhà ở thương mại nào có giá vừa túi tiền. Trong khi đó, tỷ lệ nhà ở cao cấp liên tục gia tăng. Năm 2020, tỷ lệ nhà ở cao cấp chiếm 70% thị phần và tăng lên 80% trong giai đoạn 2021-2022, còn lại là nhà ở trung cấp.
Thị trường thiếu hụt nguồn cung dẫn tới giá nhà bị đẩy lên rất cao, thiếu hụt nhà có giá vừa túi tiền. Nhà ở xã hội hiện nay đã có những căn có giá lên tới 25 triệu đồng/m2, trong khi mục tiêu trước đây là mức trên dưới 15 triệu đồng/m2.
Tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu cho biết, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư.
“Chúng tôi đề nghị họ phải giảm giá nhà thực chất. Thà bán lỗ để cắt lỗ, để biết mình còn lại bao nhiêu tài sản, còn hơn là kỳ vọng ảo về lợi nhuận rồi chết chìm, mất hết tài sản vì không bán được hàng. Bán hàng để có tiền, có thanh khoản là nhiệm vụ hàng đầu của các doanh nghiệp”, Chủ tịch HoREA nói.
Về trái phiếu, ông Châu cho hay, trong quý I/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn là khoảng 119.000 tỷ đồng. Do đó, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngành ngân hàng đang rất thận trọng, bởi nếu không cẩn thận, vốn tín dụng sẽ được bơm vào để bù đắp cho phần trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. “Điều đó cực kỳ nguy hiểm trong kiểm soát tài sản”, ông Hùng nói.
Góp ý từ góc độ pháp lý, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, pháp lý tài chính và tiền tệ gắn quyện với nhau, nếu không xử lý vấn đề pháp lý, thì mối quan hệ giữa các định chế tài chính, các ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản không trở về trạng thái “dòng tiền dịch chuyển bình thường” được.
Dẫn chứng câu chuyện Công ty Evergrande của Trung Quốc, ông Võ Trí Thành cho rằng, cần tháo gỡ khó khăn để dòng tín dụng tiếp tục vào các dự án đảm bảo một số điều kiện không quá ngặt nghèo. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu để đảo nợ hoặc triển khai dự án để có dòng tiền.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã chuyển dịch chính sách để tập trung phát triển quan hệ cung cầu thật, tập trung vào nhà ở thương mại giá phải chăng, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
“Cần nhìn nhận tổng thể để có công cuộc cải cách với thị trường bất động sản, tái cấu trúc, cải tổ thị trường từ cấp vĩ mô (cấp chính sách) cho đến cấp vi mô (cấp doanh nghiệp) để thị trường bật dậy”, ông Thành nói.
Về phía quản lý nhà nước, theo ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có một loạt công điện chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đặc biệt là việc thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Tổ Công tác đã làm việc với khoảng 30 doanh nghiệp lớn. Ông Dũng khẳng định, Tổ công tác và Bộ Xây dựng đang rất khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện và nghiên cứu, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho thị trường.