Vương quốc Anh đối diện những năm tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930. Nguồn: Số liệu được Bloomberg tổng hợp từ Cơ quan Thống kê Vương quốc Anh (ONS) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) |
Tăng trưởng không quá 0,7%/năm
Nền kinh tế Anh đang trong tình trạng suy thoái và lực lượng lao động của quốc gia này đang bị thu hẹp đồng nghĩa với việc nền kinh tế có rất ít cơ hội để tăng tốc khi suy thoái qua đi.
Nhóm chuyên gia của Tổ chức tư vấn độc lập Resolution Foundation (London) nhận định Vương quốc Anh đang ở giữa giai đoạn tăng trưởng tồi tệ nhất trong 20 năm kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng năm 1938, nếu các dự báo của Ngân hàng Trung ương Anh là chính xác.
Ngân hàng Trung ương Anh cho biết nền kinh tế Anh có thể tăng trưởng không quá 0,7%/năm – bằng 1/4 tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tăng trưởng năng suất đã trở nên “ốm yếu” kể từ sau khủng hoảng trong khi Ngân hàng Trung ương Anh nhận thấy khả năng cải thiện vấn đề này trong trung hạn là rất thấp.
Biến cố lớn trên thị trường lao động Anh là việc hàng trăm nghìn người lao động rời bỏ thị trường kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đặc biệt là những lao động lớn tuổi. Nguyên nhân khiến nhiều người lao động rời bỏ thị trường là do tình trạng dịch bệnh mệt mỏi kéo dài và thậm chí họ có thể sẽ không quay trở lại thị trường lao động, theo nhận định của Ngân hàng Trung ương Anh.
Suy thoái ngắn và nông hơn
Đối chiếu diễn biến lịch sử, suy thoái mà Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo là ở mức nông. Dự báo mà cơ quan này đưa ra là sản lượng kinh tế Anh sẽ sụt giảm dưới mức 1% trong 5 quý, trong khi đó các cuộc suy thoái năm 1980 và 2008 không kéo dài, nhưng mỗi cuộc suy thoái gây thiệt hại trung bình khoảng 5% GDP.
Thay vì phục hồi vào năm 2024, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo nền kinh tế vào đầu năm 2026 vẫn trong tình trạng đình trệ ở mức nhẹ hơn so với trước đại dịch Covid-19 và số người thất nghiệp tăng thêm 500.000 người.
Đó là tin xấu đối với Thủ tướng Rishi Sunak khi mà đảng Bảo thủ của ông đã thua xa so với đảng Lao động đối lập trong cuộc thăm dò dư luận gần đây. Việc khắc phục các vấn đề cơ cấu cản trở nền kinh tế Anh sẽ cần thêm thời gian, chứ không phải hai năm còn lại trước khi phải tổ chức tổng tuyển cử.
Dự báo của Ngân hàng Trung ương Anh được đánh giá là bi quan hơn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đầu tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo nền kinh tế Anh sẽ đối mặt với hai năm ảm đạm nhất so với bất kỳ quốc gia công nghiệp lớn nào, bao gồm cả Nga – nền kinh tế đang hứng chịu nhiều đòn trừng phạt của phương Tây. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về tăng trưởng của nền kinh tế Anh vào năm 2024 cao hơn một chút so với năm 2022.
Đối với Brexit, Ngân hàng Trung ương Anh luôn cho rằng nước này sẽ phải trả giá về mặt kinh tế khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Và thiệt hại do Brexit sẽ đến sớm hơn so với dự kiến.
Đầu tư kinh doanh của Anh được dự báo sẽ tiếp tục giảm và phân tích mới nhất của Ngân hàng Trung ương nước này cho thấy giao dịch thương mại với EU đã suy giảm nhiều hơn so với số liệu chính thức.
Hậu Brexit, các rào cản thương mại được thiết lập kể từ tháng 1/2021, kim ngạch thương mại của Vương Quốc Anh đã giảm 7%, theo dữ liệu chính thức. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh cho rằng mức giảm sẽ tiệm cận 14% sau khi các quy định điều chỉnh đối với vấn đề dữ liệu được thực hiện, chẳng hạn như tờ khai hải quan.
Phát biểu tại cuộc họp báo tuần trước, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Ben Broadbent, khẳng định: “Chúng tôi không thay đổi đánh giá của mình về các tác động dài hạn, nhưng chúng tôi đã cải thiện một vài trong số chúng”. “Chúng tôi nghĩ có lẽ chúng (các tác động – BTV) sẽ xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự kiến ban đầu”, đại diện Ngân hàng Trung ương Anh nói thêm.