Trụ sở Fed tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN |
“Fed tiến thoái lưỡng nan”
Từ báo cáo việc làm vừa được công bố, có thể thấy nhu cầu lao động ở Mỹ đã trở nên ổn định và điều này giúp gia tăng cơ hội “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các quan chức Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất liên bang thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 1/2, lên ngưỡng từ 4,5% đến 4,75%. Nếu quyết định được đưa ra, thì đó sẽ là lần thứ hai Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, sau 4 đợt 75 điểm cơ bản trong năm 2022.
Động thái trên được kỳ vọng sau một loạt dữ liệu gần đây cho thấy chiến dịch chống lạm phát mạnh mẽ của Fed đang phát huy hiệu quả.
“Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm nay, tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, thời kỳ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản chắc chắn đã qua”, ông Patrick Harker, Chủ tịch Chi nhánh Fed tại thành phố Philadelphia nêu trong bài phát biểu tuần trước. “Việc tăng 25 điểm cơ bản sẽ là phù hợp trong thời gian tới”, ông Harker nhấn mạnh.
Còn câu hỏi chính dành cho Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, trong buổi họp báo sau cuộc họp chính sách sắp tới là Fed dự định tăng lãi suất bao nhiêu và các quan chức của họ cần xem xét điều gì trước khi dừng lộ trình tăng lãi suất.
Các quan chức Fed đã từng khẳng định rõ ràng rằng họ muốn thấy bằng chứng cho thấy tình trạng mất cân bằng cung – cầu trên thị trường lao động bắt đầu được cải thiện.
Theo các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát, hoạt động tuyển dụng ở Mỹ có thể chậm lại vào tháng 1/2023. Họ ước tính trong tháng 1/2023 các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm 185.000 việc làm, thấp hơn đáng kể so với con số 223.000 vào tháng 12/2022. Ước tính trung bình của họ cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1 đã tăng lên 3,6%, nhưng vẫn gần mức thấp nhất trong 5 thập kỷ. Trong khi đó, thu nhập trung bình mỗi giờ trong tháng 1 được kỳ vọng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với tháng trước.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo mà Fed ưa dùng để đánh giá tình hình lạm phát Mỹ – có chiều hướng đi xuống trong vài tháng qua. Ảnh: Bloomberg |
Fed cũng sẽ xem xét dữ liệu quan trọng khác liên quan đến lạm phát khi mà ngày mai 31/1 Bộ Lao động Mỹ công bố Chỉ số chi phí việc làm – một thước đo quy mô lớn về tiền lương và phúc lợi. Số liệu về cơ hội việc làm trong tháng 12/2022 cũng sẽ được công bố vào một ngày sau đó, tức ngày 1/2, cùng với kết quả khảo sát các nhà sản xuất trong tháng này.
“Fed đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Một mặt, dữ liệu lạm phát yếu hơn dự tính và các chỉ số lao động cho thấy đà tăng trưởng thị trường đã chậm lại trong tháng qua; mặt khác, các biến số tài chính đã giảm đi nên các nhà giao dịch tin rằng Fed sẽ sớm ‘quay xe’ và cắt giảm lãi suất. Dữ liệu sẽ lý giải cho các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn của Fed, nhưng cơ quan này có thể sẽ thấy được rằng các biến số tài chính đã dịu bớt – trong khi lạm phát vẫn tăng cao hơn mục tiêu (2% – BTV) một cách khó chịu – như một lý do để hành động diều hâu”, ba chuyên gia kinh tế của Bloomberg – Anna Wong, Eliza Winger và Niraj Shah – nhận định.
Những quyết sách sau động thái của Fed
Sau động thái của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoK) được dự đoán sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, nếu số liệu kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho thấy lạm phát đã chậm lại và nền kinh tế này cũng chững lại.
Tại Trung Quốc, thị trường lao động đã trở lại hoạt động sau kỳ nghỉ dài ngày – Tết Nguyên đán, cùng với việc Bắc Kinh chú trọng thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2023.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc trong tháng 1 dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai 31/1. Nhiều khả năng chỉ số PMI tháng 1 có thể cải thiện đáng kể so với kết quả ảm đạm của tháng 12, nhưng lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc dự kiến vẫn chưa thể tăng trưởng rõ rệt trở lại.
Ngay sau đó, chỉ số PMI khắp châu Á cũng sẽ được công bố vào ngày 1/2. Đơn cử, Nhật Bản sẽ công bố sản lượng của các nhà máy, doanh số bán lẻ và số liệu thất nghiệp tháng 1. Dựa vào những con số này, giới phân tích sẽ có cái nhìn về sức mạnh phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản sau đợt suy thoái vào mùa hè vừa qua.
Ngoài ra, Ấn Độ sẽ công bố ngân sách mới nhất vào giữa tuần này trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng đúng hướng và tăng cường kiểm soát thâm hụt.
Với Hàn Quốc, số liệu xuất khẩu mà quốc gia này công bố vào giữa tuần này, được kỳ vọng sẽ tạo xung lực cho thương mại toàn cầu. Ngay sau kim ngạch xuất khẩu, số liệu lạm phát cũng sẽ được công bố và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ xem xét kỹ lưỡng số liệu này.
Tại Australia, Ngân hàng Trung ương nước này sẽ theo dõi biến động giá nhà và dữ liệu doanh số bán lẻ trước khi đưa ra quyết định lãi suất trong tuần này.
Còn tại châu Âu, các quyết định lãi suất sẽ là dòng tin thống trị ở châu lục trong tuần này khi các ngân hàng trung ương của Eurozone và Vương quốc Anh sẽ có cuộc họp đầu tiên của năm mới.
Trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào ngày 2/2, số liệu kinh tế sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách nhằm tìm kiếm cơ sở cho lộ trình chính sách.
Hiện đang có những quan điểm trái ngược nhau về tăng trưởng GDP mà Eurozone dự kiến công bố vào ngày 31/1. Nhiều ý kiến nghiêng về kết quả rằng kinh tế Eurozone suy giảm trong quý IV/2022 và báo hiệu một cuộc suy thoái, trong khi các dòng ý kiến khác băn khoăn liệu khu vực này có tránh được suy thoái hay không.
Lạm phát của Eurozone trong tháng 1 sẽ được công bố vào ngày 1/2 và đánh dấu sự chậm lại trong tháng thứ ba liên tiếp, mặc dù một số ít nhà kinh tế dự đoán lạm phát của khu vực này sẽ tăng tốc.
Theo Bloomberg, quyết định sắp tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu gần như chắc chắn sẽ bao gồm việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản và thông tin chi tiết hơn về kế hoạch giảm bớt lượng trái phiếu nắm giữ qua nhiều năm nới lỏng định lượng.
Tương tự, quyết định ngày 2/2 của Ngân hàng Trung ương Anh cũng có thể bao gồm việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Nếu đúng vậy, nó sẽ kéo dài quá trình thắt chặt tiền tệ nhanh nhất của Vương quốc Anh trong 3 thập kỷ qua. Mặc dù lạm phát đã suy giảm trong hai tháng qua, nhưng nó vẫn cao gấp 5 lần so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh.
Tại khu vực Mỹ La-tinh, tuần trước Mexico đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trong khu vực công bố số liệu tăng trưởng quý IV/2022. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng GDP của Mexico ghi nhận sụt giảm trong quý thứ ba liên tiếp và nhiều người dự báo nền kinh tế này sẽ đối mặt một cuộc suy thoái nhẹ trong năm 2023.