Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 31/12/2022.
Trái với kỳ vọng trước đó, Thông tư mới không nới trần tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) từ mức 85% hiện nay lên 90%. Tuy nhiên, Thông tư cho phép các ngân hàng được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần huy động.
Tỷ lệ này được khấu trừ theo lộ trình giảm dần, cụ thể là từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến hết năm nay, trừ 50% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024, trừ 60% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2025, trừ 80% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Từ ngày 1/1/2026, trừ 100% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước.
Quy định trên sẽ giúp các ngân hang thương mại có vốn nhà nước (nhóm big 4), bao gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank có thêm thanh khoản để cho vay.
Trao đổi với báo chí cuối năm 2022, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước cho biết, hiện tồn quỹ của ngân sách trung ương, địa phương… đang ở mức trên 900.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 700.000 tỷ đồng đang được gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư 58 Bộ Tài chính với lãi suất 0,8%/năm. Gần 270.000 tỷ đồng còn lại gửi tại 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối là VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV (nhóm “Big4”) kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất trung bình 6%/năm.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng thương mại cũng cho thấy, số dư tiền gửi mà Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng big 4 ước khoảng 300.000 tỷ đồng.
Với quy định của Thông tư 26, ngay năm 2022, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm khoảng 135.000 – 150.000 tỷ đồng thanh khoản, có thể bổ sung vào cho vay. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ giúp các ngân hàng này ổn định lãi suất cho vay năm nay.