Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận của BIDV chủ yếu nhờ vào tăng trưởng thu nhập lãi thuần, thu nhập từ hoạt động từ kinh doanh ngoại hối và cắt giảm gần 5.500 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro trong năm qua.
Cụ thể, trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 5.381 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 88,7% đạt gần 4.262 tỷ đồng.
Theo giải trình của ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2022 đến từ lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, hoạt động từ kinh doanh ngoại hối và cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro do chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt.
Lũy kế cả năm 2022, BIDV lãi trước thuế 23.057 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 70,2% so với năm trước. Lãi sau thuế đạt hơn 18.453 tỷ đồng.
Tuy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV chỉ tăng hơn 9% so với năm trước nhưng nhờ cắt giảm 18,6% (tương đương gần 5.500 tỷ đồng) chi phí dự phòng rủi ro nên lợi nhuận trước thuế mới có được tăng trưởng cao.
Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo: ROA đạt 0,95%; ROE đạt 20,2%, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,76%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/ TT-NHNN.
Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại BIDV; nộp Ngân sách Nhà nước hơn 6.600 tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi cổ đông và thu nhập cho người lao động.
Giá trị cổ phiếu BIDV tăng gần 4% so với đầu năm trong bối cảnh VN-Index sụt giảm gần 34%; vốn hóa của BIDV đạt hơn 8,1 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn thị trường.
Hoạt động của Khối các công ty con, công ty liên doanh, liên kết năm 2021 ghi nhận kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế của Khối trong năm 2022 đạt gần 1.600 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng tăng mạnh hơn 20% vượt mốc 2 triệu tỷ đồng và là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại. Trong năm 2022, cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng của BIDV tăng trưởng khiêm tốn lần lượt 12,4% và 6,8% đạt hơn 1,52 triệu tỷ đồng và 1,47 triệu tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 30% lên 17.622 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 1% cuối năm 2021 lên 1,16%. Ngân hàng cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên 38.198 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BID của BIDV kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1 đứng ở mức 44.500 đồng/cổ phiếu, tăng so với mức trên 41.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng này.