Bối cảnh quý IV/2022 có nhiều diễn biến tác động đến tình hình kinh doanh chung của nhiều doanh nghiệp, như lãi suất tăng mạnh, sức ép từ đáo hạn trái phiếu, thị trường bất động sản gặp khó trong đó có nhiều doanh nghiệp không thể ra hàng, mảng năng lượng tái tạo có nhiều biến động về chính sách.
Đặt trong bối cảnh đó, CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) cũng chịu những tác động tương tự. Báo cáo tài chính quý 4/2022 cho biết, doanh thu thuần hơn 1.221 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận gộp lại có sự suy giảm mạnh về 10,77% (cùng kỳ hơn 75%).
Đáng chú ý hai khoản mục có biến động mạnh trong kỳ là doanh thu tài chính ghi nhận 385 tỷ đồng, giảm 43,5% và chi phí tài chính 640 tỷ đồng, tăng 57,6%. Trong đó chi phí lãi vay, lãi trái phiếu hơn 385,6 tỷ đồng, tăng 27,67%; lỗ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu tăng mạnh lên 99 tỷ đồng (cùng kỳ chưa đến 5 tỷ đồng), và lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện 55 tỷ đồng; và chi phí phải trả theo hợp đồng hợp tác đầu tư cũng tăng mạnh lên 108,7 tỷ đồng, gấp 3,75 lần. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh BCG ghi nhận âm hơn 331 tỷ đồng.
Các chi phí trong kỳ của BCG đều tăng, như chi phí bán hàng 63,5 tỷ đồng, tăng 144% và chi phí quản lý doanh nghiệp 129 tỷ đồng, tăng 24%.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hơn 202 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 97,6 tỷ đồng.
Theo giải trình của BCG, do tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thấp đã tác động đến các mảng hoạt động kinh doanh công ty; điều kiện kinh tế không thuận lợi cũng khiến BCG không phát sinh các hoạt động M&A và tư vấn M&A trong kỳ. Bên cạnh đó, lãi suất tăng khiến chi phí tài chính công ty tăng mạnh so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, lợi nhuận BCG vẫn là số dương, cụ thể, doanh thu thuần 4.531,6 tỷ đồng, tăng mạnh 75%, lãi sau thuế 546,5 tỷ đồng, lãi ròng 343 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 45% và 44%. Với kết quả này, BCG hoàn thành 62,5% kế hoạch doanh thu và 24,8% kế hoạch lợi nhuận.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh có cải thiện mạnh, dù âm hơn 2.747,6 tỷ đồng (so với số âm 9.012 tỷ đồng năm 2021) nhờ tăng các khoản phải thu.
Tổng tài sản BCG tại thời điểm 31/12/2022 là hơn 44.006 tỷ đồng, tăng hơn 6.300 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tăng trả trước cho người bán ngắn hạn hơn 3.057 tỷ đồng (tăng gấp 2,4 lần); tài sản cố định tăng hơn 1.888 tỷ đồng, và tăng các khoản mục đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh, lên 3.418 tỷ đồng (tăng 1,27 lần).
Cuối năm 2022, TPB không còn nằm trong danh mục chứng khoán của BCG, có giá trị gốc hồi đầu năm là 990 tỷ đồng.
Với danh mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, BCG giải ngân mới các khoản đáng kể vào CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Gia Khang hơn 1.017 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios 545 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và phát triển Sơn Long hơn 970 tỷ đồng… và một số công ty về điện năng lượng tái tạo.
Nguồn dữ liệu: Wichart.vn
Tổng nợ phải trả hơn 30.204,8 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay là 14.934,8 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/VCSH giảm từ 3,5 lần về 2,2 lần; tỷ lệ nợ vay/VCSH hơn 1,08 lần (giảm so với con số 1,64 tại thời điểm cuối năm 2021). Các tỷ lệ nợ vay này được đánh giá khá an toàn.