Khoảng năm 2015, 2016, Nhóm mua (nhommua.vn) là mô hình bán hàng theo nhóm (Groupon) vô cùng phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, chiến lược gọi vốn sai lầm đã ảnh hưởng rất nhiều đến con đường của start-up này.
Ông Lâm Trần – một trong những thành viên sáng lập “Nhóm mua”, sau này là đồng sáng lập, CEO WisePass từng chia sẻ rằng, vào thời điểm năm 2015, Nhóm mua đã gọi được 60 triệu USD. Thế nhưng, gọi được nhiều tiền cũng khiến các nhà sáng lập mất hết quyền điều hành.
“Nhà đầu tư bỏ vốn đã lấy 100% quyền điều hành, để rồi mâu thuẫn nội bộ xảy ra khiến Nhóm mua ngày càng đi xuống. Sau đó, chúng tôi thành lập WisePass là ứng dụng ẩm thực, phong cách sống kết nối du lịch, chúng tôi không dám gọi vốn lớn nữa. Khi dự án thành công, nhóm WisePass mới gọi được nửa triệu USD từ Singapore và chúng tôi vẫn giữ được quyền điều hành”, ông Lâm Trần cho biết.
Trên thực tế, việc xây dựng một công ty từ con số 0 đến lúc có được vài chục, vài trăm nhân sự, doanh thu được tính bằng triệu USD là con đường vô cùng chông gai. Để đi tới con đường đó, các nhà sáng lập không chỉ cần vốn, mà còn cần những người đồng hành dày dặn kinh nghiệm, cùng nhau hoạch định các chiến lược, tăng trưởng theo từng giai đoạn. Quá trình gọi vốn, vì thế, không nên hướng tới mục tiêu duy nhất là tài chính, mà start-up cần phải xác định rõ mình đang tìm một người vừa có vốn, vừa có thể hội tụ nhiều yếu tố để đi chung lâu dài.
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans tại Việt Nam cho rằng, việc xây dựng, phát triển, tăng trưởng kinh doanh không phải chỉ là việc riêng của Tổng giám đốc hay nhân sự công ty, mà của tất cả cổ đông công ty đó. Sau cùng, không ai muốn chứng kiến mình làm ngày, làm đêm, còn một vài người khác ngồi yên và hưởng thành quả chỉ vì họ bỏ vào chút tiền lúc ban đầu.
“Khi công ty nào đạt được giá trị tầm 30 triệu USD trở lên sẽ thấu hiểu sự thật này. Nên muốn tránh nó thì ngay từ đầu đừng chỉ gọi vốn vì tiền, mà phải xem người góp vốn là ai”, đại diện Nextrans nhấn mạnh.
Từ vị trí nhà sáng lập, ông Phạm Anh Khôi, CEO nền tảng tài chính bất động sản Fina cho rằng, khi tìm kiếm nhà đầu tư, start-up không chỉ xem xét yếu tố tài chính, mà cần biết người đó có thể hỗ trợ gì cho mình trong quá trình tăng trưởng, phát triển, hoàn thiện quy trình quản lý, lập kế hoạch kinh doanh… Với Fina, start-up còn hướng tới những nhà đầu tư quốc tế để hỗ trợ tiến ra thị trường khu vực cũng như nhiều quốc gia khác trong tương lai.
“Câu chuyện không chỉ là tiền. Tiền thì đương nhiên các nhà đầu tư phải có rồi. Nhưng đó là điều kiện cần, chứ chưa chắc là điều kiện đủ. Một nhà đầu tư tốt là người phù hợp với start-up, giúp start-up ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn, chứ không phải làm cho doanh nghiệp xấu đi”, ông Khôi nói.
Nhà sáng lập Fina nói thêm rằng, trên thực tế, một vài start-up gọi vốn thành công, nhưng thời gian sau không thể phát triển được nữa, thậm chí dừng hoạt động. Nguyên nhân là do khi nhà đầu tư tham gia vào, họ đặt ra kỳ vọng với start-up cũng như yêu cầu start-up thay đổi chiến lược phát triển. Đôi khi đó là chiến lược không đúng với định hướng, tầm nhìn start-up đặt ra. Nguy hiểm hơn, đó có thể là một chiến lược sai lầm trong kinh doanh.
Ngoài ra, với mỗi thương vụ rót vốn, nhà đầu tư đều có lợi ích riêng của mình. Đôi khi lợi ích này không hòa hợp với lợi ích của start-up, của khách hàng, của cả cộng đồng. Vì vậy, phía start-up cần phải cẩn thận, làm sao phải hài hòa lợi ích giữa các bên: vừa quản lý kỳ vọng với nhà đầu tư một cách tốt nhất, đồng thời vẫn đảm bảo trách nhiệm với người lao động, các cơ quan chức năng, cộng đồng và xã hội.