Cụ thể, BaF Việt Nam vừa thông qua việc sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2022 còn lại cho hoạt động mua sắm thức ăn chăn nuôi phục vụ cho hệ thống trại heo.
Trong đó, số tiền còn lại là 29,28 tỷ đồng này được mua sắm thức ăn chăn nuôi phục vụ cho hệ thống trại heo giữa BaF Việt Nam và CTCP thức ăn chăn nuôi BAF Tây Ninh, thời gian dự kiến trong quý I/2023.
Cho đến ngày 23/8/2022, Công ty mới hoàn thành đợt chào bán nên một số khoản mục thanh toán theo kế hoạch sử dụng vốn ban đầu đã quá thời gian thực hiện. Do đó, Công ty đã linh động sử dụng nguồn vốn khác để thanh toán nhằm đảm bảo dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục.
Ngoài ra, việc thu xếp các nguồn vốn khác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ở thời điểm hiện tại là khá khó khăn do mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức cao. Do đó, việc linh động trong quá trình điều chuyển dòng tiền hoạt động kinh doanh và sử dụng phù hợp, kịp thời các nguồn vốn sẵn có là điều cần thiết giúp quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra xuyên suốt và hiệu quả.
Theo tìm hiểu, CTCP thức ăn chăn nuôi BAF Tây Ninh có địa chỉ tại tỉnh Tây Ninh, vốn điều lệ 150 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là bà Bùi Hương Giang (bà Bùi Hương Giang cũng đang là Giám đốc của BaF Việt Nam) và BaF Việt Nam đang sở hữu 99% vốn điều lệ tại Công ty này.
Được biết, ngày 23/8/2022, BaF Việt Nam đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu, Công ty đã sử dụng 270,7 tỷ đồng theo mục đích thông báo ban đầu và còn lại 29,28 tỷ đồng chưa giải ngân.
Thêm nữa, lô trái phiếu mệnh giá 300 tỷ đồng có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 10,5%/năm và định kỳ trả lãi 6 tháng một lần. Ngày kết thúc đợt chào bán là 23/8/2022.
Xét về cơ cấu nhà đầu tư tham gia đợt chào bán 3 triệu trái phiếu (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu) bao gồm 1 nhà đầu tư cá nhân mua 3.045 trái phiếu chiếm 0,102% tổng lượng trái phiếu phát hành; 4 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua 1.218.272 trái phiếu, chiếm 40,609% tổng lượng trái phiếu phát hành; và 4 tổ chức nước ngoài mua 1.778.683 trái phiếu, chiếm 59,289% tổng lượng trái phiếu phát hành. Như vậy, có tổng 9 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành trái phiếu này.
Được biết, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.
Lợi nhuận quý IV giảm 91,2% về còn 6,73 tỷ đồng
Trong quý IV/2022, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.158,2 tỷ đồng, tăng 60,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 6,73 tỷ đồng, giảm 91,2% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 10,4% về còn 2,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 55,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 77,73 tỷ đồng về 62,49 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 0,35 tỷ đồng về 4 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 0,18 tỷ đồng về 25,42 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 78,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 20,75 tỷ đồng lên 47,14 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 32,3 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 17,46 tỷ đồng lên 18 tỷ đồng (cùng kỳ 0,54 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, BaF Việt Nam ghi nhận lỗ 10,07 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 88,23 tỷ đồng, tức giảm 98,3 tỷ đồng.
Như vậy, Công ty thoát lỗ trong quý IV chủ yếu nhờ lợi nhuận khác. Trong đó, Công ty không thuyết minh cơ cấu thu nhập khác trong quý IV nhưng thuyết minh cả năm 2022, thu nhập khác tăng đột biến chủ yếu do lãi từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Chính vì vậy, BaF Việt Nam thoát lỗ quý IV chủ yếu nhờ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Luỹ kế trong năm 2022, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 7.047,3 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 292,97 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 43% về 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% lên 402 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận đạt 292,97 tỷ đồng, Công không hoàn thành kế hoạch mà chỉ đạt 72,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong năm 2022, BaF Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 203,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 207,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 768,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 792,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của BaF Việt Nam giảm 10,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 548,9 tỷ đồng về 4.908,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.682,6 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.096,2 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 875,3 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác ghi nhận 496,8 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Lãnh đạo cao cấp đồng loạt bán và giảm sở hữu
Về cơ cấu cổ đông cũng có sự biến động khi bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc đã giảm sở hữu từ 13,25% về chỉ còn 3,38% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn; ông Phan Ngọc Ân, thành viên HĐQT cũng bán ra toàn bộ cổ phiếu để giảm sở hữu từ 6,35% về còn 0% vốn điều lệ. Ngược lại, CTCP Siba Holdings lại nâng sở hữu từ 0% lên 39,26% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn nhất.
Thêm nữa, ông Lê Xuân Thọ, thành viên HĐQT vừa bán ra 795.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 839.200 cổ phiếu (0,58% vốn điều lệ) về còn 44.200 cổ phiếu (0,03% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện từ ngày 28/12/2022 đến ngày 10/1/2023.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/2, cổ phiếu BAF tăng 300 đồng lên 19.300 đồng/cổ phiếu.