Theo ghi nhận, tình hình và nhu cầu rút tiền tại hệ thống ATM của các ngân hàng năm nay không còn cảnh xếp hàng, “tắc nghẽn” như những năm trước, một phần do việc giao dịch thanh toán không tiền mặt gia tăng, nhu cầu rút tiền mặt giảm.
Tuy số lượng máy ATM giảm, nhưng hiệu quả sử dụng máy được cải thiện hơn rất nhiều, gắn liền với việc mở rộng và tăng trưởng các tiện ích của dịch vụ. Đây là xu hướng tích cực, thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện trên địa bàn TP. HCM ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho hay, số lượng máy ATM đạt 4.061 máy, giảm 1% với cuối năm 2021. Nhưng máy ATM được sắp xếp, điều chỉnh lại vị trí lắp đặt, cũng như tăng tính tiện ích và bảo đảm an ninh an toàn của hệ thống.
Bên cạnh hệ thống máy ATM truyền thống, các ngân hàng đã hướng tới việc phát triển hệ thống máy ATM thế hệ mới như của ACB hay phát triển hệ sinh thái ngân hàng số: Open Banking và ONEBANK của Nam A Bank….
Hệ thống máy mới, đã và đang là sự bổ sung và hoàn thiện dịch vụ ATM truyền thống với tính năng vượt trội và khả năng đáp ứng dịch vụ ngân hàng đa năng, giao dịch 24/7, cũng như đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về số hóa ngành Ngân hàng và xu hướng phát triển thời đại.
Thứ hai, số lượng thẻ ATM và máy POS tăng. Đến nay, trên địa bàn TP.HCM số lượng máy POS đạt 123.540 máy, tăng 23% so với cuối năm 2021. Số lượng thẻ nói chung và thẻ ATM nói riêng cũng cùng xu hướng tăng trưởng, tăng khoảng 19%.
Gắn liền quá trình này, số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ trên địa bàn tăng 27,8% và đạt 82.568 điểm. Đây là những con số ấn tượng, kết quả tích cực, bởi lẽ sự tăng trưởng của các chỉ tiêu này, phản ánh những tín hiệu rất tốt từ xu hướng người sử dụng dịch vụ.
Theo đó, khách hàng, người dân tăng cường sử dụng thẻ để thanh toán, chuyển tiền thay vì rút tiền mặt, điều này cũng phù hợp sự thay đổi chất lượng của hệ thống mạng lưới ATM trên địa bàn như đã phân tích ở trên. Thứ ba, sự tiện ích và tính phổ thông vẫn là động lực chính, đồng thời cũng là dư địa cho tăng trưởng dịch vụ thẻ ATM hiện nay.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực thanh toán điện tử liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, càng về những ngày sát Tết Nguyên đán, cùng với nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, số lượng giao dịch chuyển tiền/thanh toán trực tuyến cũng xu hướng tăng theo.
Bởi người dân hiện nay ngày càng có thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn trong chi tiêu, mua sắm hàng ngày. Số liệu của NHNN, trong 11 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,3% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,3% và 40,5%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,5% và 48,7%.
Còn giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%. Đáng chú ý, thanh toán qua phương thức quét mã QR tăng tương ứng tới 182,5% và 210,6% so với năm trước
Theo thông tin của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch đã giảm xuống còn 6,5% vào cuối năm 2022, thấp hơn một nửa so với năm 2021.
Tuy nhiên, lãnh đạo NAPAS cho biết, hệ thống NAPAS chưa ghi nhận tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch. Các ngày đầu tháng 1 năm 2023, giao dịch chỉ tăng khoảng 20% so với trung bình những tháng cuối năm 2022.
Các ngân hàng cũng thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo giao dịch cuối năm thông suốt, tránh tắc nghẽn.
NAPAS cho biết, hoạt động thanh toán điện tử tăng trưởng nhanh trong năm 2022 với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021.
Đáng chú ý, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021 xuống mức 6,56% của năm 2022. Theo đó, con số tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt hiện nay chỉ bằng 1/4 so với cách đây 2 năm.
Cũng qua ghi nhận từ NAPAS, 1 tuần trước Tết Nguyên đán, tại một số thời điểm đã phát sinh tình trạng ngân hàng xử lý chưa được đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch của khách hàng.
NAPAS đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên để triển khai các giải pháp tối ưu nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong những năm gần đây, trước việc giao dịch trên Mobile Banking tăng mạnh, các nhà băng đã tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ để đáp ứng được những giai đoạn cao điểm (có nhiều khách hàng cùng truy cập một lúc).