Đáng lo ngại hơn là nhiều quảng cáo hoặc vô tình hoặc cố ý gắn với hình ảnh của những người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội để thu hút người xem.
Các quảng cáo về thuốc lá thệ hệ mới đang nhắm vào giới trẻ và nhấn mạnh thông điệp rằng đây một giải pháp thay thế cho thuốc lá truyền thống để bảo vệ sức khỏe, thân thiện với môi trường. |
Chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc lá điện tử” trên Google là có thể nhận về hàng chục triệu kết quả. Tại các nền tảng mạng xã hội mà giới trẻ hay dùng như TikTok, Facebook, Zalo, việc quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gần như tự do và ít bị kiểm soát.
Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, một số group chuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thuốc lá thế hệ mới có tới hàng chục nghìn thành viên, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ.
Thậm chí, cũng có không ít tài khoản đăng tải video clip người nổi tiếng sử dụng thuốc lá điện tử.Trong một lần gõ từ khóa thuốc lá điện tử, vape, pod trên thanh tìm kiếm của Facebook, phóng viên ngạc nhiên bởi rất nhiều fanpage với lượng người theo dõi vô cùng lớn.
Các fanpage này đăng tải thường xuyên các bài viết, video giới thiệu về hình ảnh, mùi vị của các sản phẩm thuốc lá điện tử như vape-pod, tinh dầu kèm theo nhiều chương trình khuyến mại kích cầu. Mỗi bài đăng tải đều có lượng tương tác lớn, trung bình từ vài trăm tới vài nghìn like.
Đáng nói là, đối tượng của các quảng cáo này nhắm đến là giới trẻ. Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn như kẹo, trái cây, trà sữa… cùng những lời quảng cáo “không gây hại”, “hút thuốc lành mạnh”, “sành điệu”, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện bản thân của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
Các giao dịch mua bán được đăng tải công khai. Bất cứ ai cũng có thể tham gia, trên các nền tảng như youtube, tiktok, thuốc lá điện tử cũng được giới thiệu quảng cáo sôi động không kém.
Các tiêu đề thì vô cùng hấp dẫn.Những quảng cáo về thuốc lá điện tử thường là lời tiếp thị có cánh, thậm chí còn khẳng định thuốc lá điện tử đang giúp hàng triệu người trên thế giới từ bỏ được thuốc lá và giảm nguy cơ bệnh tật từ khói thuốc.
Những quảng cáo trên mọi không gian mạng đã khiến các bạn trẻ có niềm đam mê với thuốc lá điện tử không thể rời mắt. Nhiều bạn trẻ khi được phóng viên hỏi đều cho biết, họ tiếp cận quá dễ dàng với các quảng cáo về thuốc lá điện tử trên các trang mạng xã hội, diễn đàn.
Đôi khi họ vô tình sử dụng đơn giản vì sự tò mò, kích thức của những lời quảng cáo mùi mẫn và dễ đánh vào tâm lý khám phá, tìm hiểu của giới trẻ. Bên cạnh đó, sức lan tỏa của các quảng cáo này còn lớn tới mức dù không hút thuốc, người dùng Internet thi thoảng vẫn nhận được các tin nhắn quảng cáo, tiếp thị, sản phẩm.
Theo ông Đào Thế Sơn, giảng viên Trường Đại học thương mại, chiến thuật của những nhà sản xuất cũng như là chiến thuật của các nhà phân phối là đánh mạnh vào giới trẻ.
Quảng cáo được các nhà kinh doanh đưa ra thường có âm nhạc, âm thanh, hình ảnh bắt mắt với nhiều cô gái xinh đẹp, trẻ trung sử dụng thuốc lá điện tử.
Có thể thấy rằng, những clip quảng cáo đã thúc đẩy những hành vi hút thuốc và nhả khói của giới trẻ. Điều quan trọng hơn cả là làm cho giới trẻ bắt đầu hình thành những giá trị lệch chuẩn. Họ cho rằng, có thể hành xử giống như những nội dung ở trên video clip và cho rằng đó là điều bình thường.
Còn theo quan điểm của đại diện trường Đại học Y tế công cộng, giới trẻ hiện đang vô tư review cách thức sử dụng thuốc lá điện tử như cách nhả khói như thế nào để cho nó hấp dẫn, hút loại nào, màu sắc ra sao.
Thậm chí một số bạn còn giới thiệu cho nhau như là phương tiện là để cai thuốc lá truyền thống. Giới trẻ cũng đang lan truyền thông tin sai lầm là thuốc lá điện tử nó không có hại như thuốc lá truyền thống và khi sử dụng thuốc lá điện tử thì làm cho các bạn trẻ trở nên sành điệu hơn.
“Vô vàn thông tin tích cực như vậy khiến cho người ta có xu hướng cảm thấy thuốc lá điện tử là một cái sản phẩm thân thiện, an toàn hơn thuốc lá truyền thống”, đại diện trường Đại học Y tế công cộng nêu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các sản phẩm này có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư.
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol và trên 15,500 các loại hương liệu có nhiều chất độc. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.
Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi (thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA), vòm họng, phổi tắc nghẽn, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển..
Nicotine trong các sản phẩm thuốc lá điện tử làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.
Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn.
Trao đổi tại nhiều hội thảo, hội nghị thời gian gần đây, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thời điểm Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì trên thị trường của Việt Nam chưa có các sản phẩm thuốc lá mới này và tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này hầu như chưa có ý nghĩa thống kê và chưa thống kê được tỷ lệ sử dụng vào thời điểm đó.
Do đó, Luật Phòng, chống tại của thuốc lá cũng chưa hề quy định khái niệm dành cho hai sản phẩm thuốc lá mới điển hình vào thời điểm hiện nay là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một sản phẩm gây nghiện độc hại và là một nhóm sản phẩm mới.
Do đó, theo bà Trần Thị Trang, để có được các cơ chế pháp lý đối với sản phẩm này chúng ta phải nhận diện và có quan điểm rõ ràng đối với sản phẩm. Nếu như những sản phẩm có hại thì đầu tiên không thể thí điểm một sản phẩm có hại cho sức khỏe đối với người dân và thanh thiếu niên.
Còn đối với một số quan điểm cần có cơ chế pháp lý đối với sản phẩm này, cấm hay áp dụng luật thì lại phụ thuộc vào một số cơ sở. Cụ thể, có cần thiết đến mức phải cho các sản phẩm thuốc lá mới vào sử dụng tại Việt Nam hay không khi mà tác hại cũng như nguy cơ sức khỏe và đặc biệt là làm tăng tỷ lệ tiêu thụ ở thanh, thiếu niên và trẻ em.