Đến cuối năm 2022, tín dụng đạt 413,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021. ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5%.
Cùng với tăng trưởng bền vững về lợi nhuận, ACB tiếp tục khẳng định thế mạnh ở chất lượng tài sản vượt trội khi tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,74% – thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng. Đặc biệt ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 155%.
Bên cạnh đó, ACB cũng là ngân hàng hiếm hoi trên thị trường có danh mục đầu tư trái phiếu rất an toàn, chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác, không có trái phiếu doanh nghiệp.ACB còn được đánh giá là ngân hàng có mô hình quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế hàng đầu khi hoàn thành BASEL III và ILAAP vào năm 2022.
ACB cho biết, trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động về thanh khoản, lãi suất trong năm qua, ACB vẫn kết thúc năm với tất cả các chỉ số an toàn thanh khoản rất tốt. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 20%.
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt 12,2% và 12,8%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN, dự trữ đủ đệm vốn an toàn cho tình hình hoạt động bình thường và cả khi thị trường căng thẳng.
Nhờ thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng cũng như áp dụng vào danh mục sản phẩm/dịch vụ ngân hàng số, ACB tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn và thúc đẩy doanh số giao dịch online tăng 60%.
Trong năm qua ACB cũng đã chào đón thêm hơn 1 triệu khách hàng mới. Bước sang năm 2023, ACB tiếp tục tăng tốc số hóa nhằm mang đến hành trình trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng song song với chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.
Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nhà băng này cũng đặc biệt coi trọng yếu tố con người, đại diện ACB, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc cho biết: “Chúng tôi đang thay đổi mạnh mẽ tư duy và văn hóa nội bộ theo hướng chuyển đổi số, từ đó cùng nhau làm chủ công nghệ và tạo ra những sản phẩm mang lại thành công cho khách hàng”.
ACB có kế hoạch dự kiến phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023 nếu được NHNN chấp thuận) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.
Trước đó, vào năm 2015, ngân hàng này cũng đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Như vậy sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ACB đang giao dịch trong phiên chiều ngày 30/1 ở mức 25.400 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với đầu tháng này.