Năm 2022, kinh tế thế giới chứng kiến những biến động chưa từng thấy, khiến kinh tế trong nước khó tránh bị ảnh hưởng. Bằng sự vững vàng, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng. Mặc dù vậy, tại một số thời điểm nhất định, hệ thống ngân hàng năm 2022 cũng trải qua những thách thức lớn.
Cùng báo Đầu tư điện tử – baodautu.vn- điểm lại những sự kiện chấn động ngành ngân hàng năm 2022.
1. Nới biên độ tỷ giá 2% và cú xoay chiều ngược dòng bất ngờ của tỷ giá
Từ tháng 9/2022, thị trường ngoại hối trong nước gặp áp lực lớn sau khi lạm phát toàn cầu liên tục tăng mạnh, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành khiến đồng bạc xanh tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Tâm lý găm giữ tỷ giá tăng trở lại. Trong bối cảnh này, NHNN đã nhiều lần tăng giá bán USD.
Đặc biệt, ngày 17/10, NHNN đã công bố quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%, có hiệu lực ngay. Giá bán ra USD lập tức điều chỉnh tăng vọt từ 23.925 VND lên 24.380 VND, tương đương mức tăng tới 455 VND. Đây là bước tăng mạnh chưa từng thấy của nhà điều hành trong nhiều năm qua. Tỷ giá USD trên thị trường tự do đã có thời điểm vượt 25.000 đồng/USD.
Cũng trong giai đoạn này, NHNN tăng cường bán ngoại tệ từ Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để can thiệp thị trường (ước bán khoảng 25 tỷ USD). Đồng thời, NHNN cũng tái khởi động phát hành tín phiếu trên thị trường mở sau hơn hai năm ngừng hoạt động này nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Tuy vậy, thị trường ngoại tệ đã hạ nhiệt khá nhanh sau khi lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là sau khi Fed phát tín hiệu có thể giảm lãi suất từ năm 2024. Tiền đồng từ chỗ mất giá khoảng 8,6% cuối tháng 10/2022 đã chỉ còn mất giá 3,81% vào cuối tháng 12/2022. Thanh khoản ngoại tệ thị trường bắt đầu dồi dào hơn, NHNN cũng bắt đầu mua ngoại tệ can thiệp trở lại vào giữa tháng 12/2022.
Một thành công nữa trong điều hành tỷ giá năm 2022 là ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Theo đó, trong kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
2. Ngân hàng Nhà nước 2 lần tăng lãi suất điều hành
Trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất, gây áp lực lớn tới tỷ giá, tạo sức ép lên lạm phát, trong tháng 9 và tháng 10/2022, NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm.
NHNN đánh giá, đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống. Tại thời điểm NHNN tăng lãi suất cuối tháng 10/2022, tỷ giá trên thị trường đã tăng 8,6%.
Trước đó, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành 8 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh các quốc gia đua nhau tăng lãi suất để đối phó với lạm phát (tính từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu). Động thái tăng lãi suất của NHNN vào thời điểm tỷ giá căng thẳng, dự báo Fed tiếp tục kéo dài lộ trình tăng lãi suất được giới chuyên gia đánh giá là hợp lý.
Mặc dù vậy, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, cộng với tác động từ “sự cố” SCB bị kiểm soát đặc biệt, cuộc đua tăng lãi suất huy động vọt tăng. Lãi suất huy động trên thị trường kỳ hạn 6 tháng đã lên tới trên 12%, khiến doanh nghiệp vô cùng lo lắng.
Trước tình hình này, ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm. Ngày 22/12, Thống đốc NHNN phát đi công văn, trong đó nhấn mạnh sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý. Mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt đôi chút sau động thái này của NHNN.
3. Kiểm soát đặc biệt SCB và cú sốc thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Đầu tháng 10/2022, Tập đoàn An Đông và một số lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cụ thể là có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu đã khiến người dân ồ ạt đi rút tiền khỏi SCB cũng như yêu cầu ngân hàng này mua lại trái phiếu do An Đông phát hành. Sự việc xảy ra khiến SCB rơi vào tình trạng khó khăn. Sau đó, ngay trong tháng 10/2022, NHNN đã tuyên bố đưa SCB vào diện kiểm soát bắt buộc.
Khi sự cố SCB và cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra, thanh khoản của hệ thống ngân hàng một số thời điểm có dấu hiệu căng thẳng cục bộ, đặc biệt là tại các ngân hàng nhỏ. Hệ thống giao dịch liên ngân hàng gần như đóng băng. Tuy nhiên, nhờ có sự bơm hút nhịp nhàng của NHNN sau đó, hệ thống đã vận hành trở lại.
Từ sự cố SCB – Vạn Thịnh Phát, nhiều chuyên gia cho rằng, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo nhất hiện nay.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội vào tháng 10/2022 về việc thực hiện Nghị quyết 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn và nghị quyết 632022/QH15 về kỳ họp thứ 3 Quốc hội thứ XV, Thống đốc NHNN thừa nhận, thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
4. Nới room tín dụng vào phút cuối cùng
Nửa đầu năm 2022, tín dụng bật tăng mạnh trở lại do nhu cầu vốn tăng lên khi quay nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 9,35% và 9 tháng tăng 11%, nhiều ngân hàng đã cạn sạch room tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, căng thẳng lãi suất, tỷ giá, thanh khoản khiến NHNN vô cùng cẩn trọng với cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng. Thiếu room tín dụng cộng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng khiến doanh nghiệp khô hạn thanh khoản.
Mãi đến ngày 5/12, NHNN mới quyết định nới room tín dụng thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các TCTD. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Lý do đến tận tháng 12/2022 mới nới room, theo lý giải của NHNN, là do điều kiện vĩ mô, thanh khoản, tỷ giá… cho phép.
Tính tới 21/2022, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng gần 13%, thấp hơn hạn mức tín dụng cho phép.
5. Chuyển giao bắt buộc hàng loạt ngân hàng yếu, kéo dài Nghị quyết 42
Năm 2022 cũng là năm đánh dấu nhiều đột phá trong tái cơ cấu ngân hàng, bao gồm phương án xử lý 4 ngân hàng yếu kém.
Cụ thể, trong năm 2022, đã có 3 ngân hàng lớn trình cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, bao gồm Vietcombank, MB, HDBank. Một ngân hàng khác cũng đang trong tiến trình làm việc với NHNN về nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là VPBank. Danh tính các ngân hàng yếu kém được nhận chuyển giao bắt buộc lần lượt là: CB, OceanBank, DongABank và GPBank.
Như vậy, sau nhiều năm bế tắc, việc xử lý 3 ngân hàng 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt DongABank đã tìm thấy lối ra, tạo điều kiện cho NHNN hoàn thành đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011-2015.
Cũng về tái cơ cấu hệ thống, năm 2022, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Quốc hội cũng giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn tới, ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.